Nam Định tập trung xây dựng các dự án, công trình trọng điểm
Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đang quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Qua đó, phát huy thế mạnh vùng kinh tế biển, mở rộng kết nối với các địa phương, tạo sức bật phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Thi công đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (đoạn nút giao qua xã Yên Tiến, huyện Ý Yên).
Hối hả trên những công trường
Cuối năm, trời lạnh buốt, nhưng không khí trên công trường xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (đoạn nút giao qua xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) vẫn bận rộn, hối hả. Anh Bùi Tiến Đạt, cán bộ Ban điều hành dự án của Tập đoàn Xuân Trường (đơn vị thi công) cho biết: Khối lượng thi công tại nút giao hiện đã đạt hơn 90%, hoàn thiện xong hạng mục cấp phối đá dăm lớp trên, chỉ còn chờ điện chiếu sáng là sẵn sàng đưa vào sử dụng. Với bề rộng mặt đường 24 m, đây là một trong những điểm quan trọng của dự án đường trục phát triển nối hai huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên. Năm 2020, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tiến độ xây dựng do thiếu vật tư cung ứng, nhưng bằng tinh thần nỗ lực, chủ động khắc phục, đơn vị thi công đã tăng cường nhân lực, phương tiện, máy móc để hoàn thành các hạng mục đúng dự kiến.
Thi công đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (đoạn qua xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng).
Dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình dài 46 km, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017, với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng. Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định với đường cao tốc bắc – nam; đồng thời, kết nối hệ thống giao thông trong khu vực và quốc gia về đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ. Được biết, chỉ vài tháng qua, tỉnh Nam Định đã khởi công xây dựng những công trình rất lớn và quan trọng. Đó là tuyến đường bộ ven biển (có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn tuyến là 65,58 km, đi qua 24 xã, thị trấn thuộc ba huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng). Khi hoàn thành, công trình này sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của ba huyện ven biển; kết nối các tuyến quốc lộ 37B, 21, 21B; kết nối tuyến đường trục phát triển của tỉnh và tỉnh lộ 490C. Tuyến đường sẽ góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch biển của Nam Định, như khu du lịch dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Xuân Thủy, các khu du lịch biển Quất Lâm (huyện Giao Thủy), Cồn Mờ (huyện Nghĩa Hưng), Thịnh Long (huyện Hải Hậu)…
Về hạ tầng đường thủy nội địa, cụm công trình kênh nối sông Đáy – sông Ninh Cơ (được xây dựng trên địa phận hai xã Nghĩa Lạc và Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng) cũng đã được động thổ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD. Dự kiến giữa năm 2022, khi hoàn thành, dự án sẽ phát huy hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã đưa vào sử dụng từ năm 2016); giúp tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền, giảm khoảng 20% thời gian di chuyển đến cảng tại các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường
Gỡ khó cho dự án chậm tiến độ
Nhiệm kỳ 2015 – 2020, thành tựu lớn nhất của tỉnh Nam Định là đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Tỉnh về đích nông thôn mới sớm hơn 1,5 năm so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19. Quá trình xây dựng nông thôn mới, Nam Định huy động hơn 40 nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực.
Nhờ sự đồng thuận, đóng góp to lớn của nhân dân (riêng giá trị đất hiến tặng để làm đường là hơn 6.000 tỷ đồng, ngoài ra còn hàng nghìn tỷ đồng được huy động từ con, em xa quê hương), Nam Định đã hoàn thiện hệ thống giao thông, nhất là giao thông nông thôn, trở thành điểm sáng của cả nước. Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định, hiện mạng lưới đường bộ của tỉnh có tổng chiều dài hơn 12 nghìn km, trong đó có 16,2 km đường cao tốc; năm tuyến quốc lộ với chiều dài 265 km; 12 tuyến tỉnh lộ, dài 263 km; đường đô thị 177 km; đường huyện 569 km; đường xã, liên xã 1.491 km; đường thôn xóm dài 2.822 km; gần 4.000 km đường ngõ, xóm và gần 3.000 km đường trục chính nội đồng. Tất cả đường giao thông nông thôn đều được mở rộng, bê-tông hóa.
5 năm qua, nhờ thu hút hiệu quả các nguồn lực, Nam Định đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đường bộ mới nối quốc lộ 10 với quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào; cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ (tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, nối hai huyện ven biển Hải Hậu – Nghĩa Hưng); các tỉnh lộ 488, 487 và 489C. Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh tại huyện Xuân Trường; dự án xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố do ảnh hưởng bão, lũ; khách sạn thông minh và trung tâm thương mại tại phường Bà Triệu, TP Nam Ðịnh.
Trong nhiều năm, người dân Nam Định rất quan tâm dự án bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường, công trình trọng điểm do UBND tỉnh làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ kéo dài, thậm chí dừng thi công vì nhiều lý do. Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nam Định Đinh Văn Phương cho biết: Tháng 7-2019, UBND tỉnh có văn bản về chủ trương điều chỉnh dự án từ bệnh viện đa khoa quy mô cấp vùng thành bệnh viện đa khoa cấp tỉnh. Tháng 8-2020, HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và sau đó, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư. Dự án mới có tổng mức đầu tư gần 1.470 tỷ đồng, đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công và dự kiến sẽ khởi công trong quý I-2021 và hoàn thành năm 2025.
Về dự án khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần (có tổng mức đầu tư hơn 734 tỷ đồng, khởi công từ tháng 1-2019), HĐND tỉnh Nam Định đã ra Nghị quyết chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến năm 2024 thay vì hết năm 2020 như dự kiến. Trong thời gian triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động kinh phí và ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Kỳ vọng tạo đột phá
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai, là cơ sở để phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư. Trong đó, có các quy hoạch lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: quy hoạch tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP Nam Ðịnh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung Khu kinh tế Ninh Cơ (tổng diện tích khoảng gần 14 nghìn ha, nằm trên địa bàn hai huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu) vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam…
Trong năm 2021, Nam Định dự kiến đầu tư một loạt công trình quan trọng như xây dựng mới bệnh viện đa khoa tỉnh; Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong; trụ sở Thành ủy, HÐND, UBND thành phố Nam Ðịnh; cầu Bến Mới, cầu Ninh Cường… Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành các tỉnh lộ 485B, 487B, 488B và dự án đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình giai đoạn 1; hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường ven biển, khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần và cụm kênh nối sông Đáy – sông Ninh Cơ…
Đồng chí Phạm Đình Nghị đánh giá, các dự án giao thông chiếm số lượng chủ yếu trong danh sách công trình trọng điểm của tỉnh, thể hiện nỗ lực tạo sức bật đột phá cho phát triển công nghiệp – thương mại – dịch vụ, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các tuyến đường trục phát triển và đường ven biển có ý nghĩa to lớn trong việc giúp Nam Định kết nối các vùng kinh tế trọng điểm ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong tương lai, Nam Định kỳ vọng hình thành cực tăng trưởng của tỉnh ở khu vực Thịnh Long (huyện Hải Hậu) – Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng), nhằm phát huy tốt nhất thế mạnh vùng kinh tế biển.
Để sẵn sàng đón cơ hội, tỉnh hiện đang tích cực hoàn thiện cơ bản quy hoạch vùng tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 8-2022; lập quy hoạch hai bên đường trục phát triển và đường bộ ven biển; rà soát, bổ sung quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, tỉnh tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Ðông, bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư thứ cấp; hoàn thành cơ bản hạ tầng cụm công nghiệp Thịnh Lâm (huyện Giao Thủy), Yên Dương (huyện Ý Yên); tập trung triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Yên Bằng (huyện Ý Yên), Thanh Côi (huyện Vụ Bản); mở rộng cụm công nghiệp Ðồng Côi (huyện Nam Trực).
Thời gian tới, Nam Định tập trung hoàn thiện các thủ tục liên quan một số dự án chiến lược như Khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc); Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Hồng Tiến (huyện Ý Yên); Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I tại huyện Hải Hậu (tổng mức đầu tư hơn hai tỷ USD) và lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng Tổng kho và cảng xuất nhập khẩu xăng dầu tại cửa Lạch Giang. Các dự án trọng điểm này sau khi hoàn thành sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách và tạo sức bật phát triển lâu dài đối với kinh tế – xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”.
>>>Tham khảo thêm bài viết: Mục tiêu phát triển kinh tế huyện Hải Hậu Nam Định 2020 – 2025