Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp các huyện ven biển tỉnh Nam Định

Đẩy mạnh Thu hút đầu tư và Phát triển sản xuất công nghiệp ở các huyện ven biển(Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng theo nghị quyết Tập trung xây dựng, phát triển vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo)
Giai đoạn 2015-2020, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; hàng năm đóng góp trên 25% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh và 9% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên phát triển vùng kinh tế ven biển, đáng kể là phát triển công nghiệp tại các địa phương ven biển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, dự án lớn; chưa gắn hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Để các ngành kinh tế ven biển phát triển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo là phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển hợp lý các ngành công nghiệp khác góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tạo động lực tăng trưởng; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh, chủ lực của vùng như: Cảng biển, sản xuất thép, xi măng, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp dệt may, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất dược liệu…; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Bám sát chủ trương của tỉnh, trong các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, các huyện ven biển đều chủ động xây dựng lộ trình và từng bước triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp. Trong đó cả 3 huyện ven biển xác định là tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp (CCN); đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp.
✅Huyện Giao Thủy xác định, trong phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các CCN theo hướng ưu tiên công nghiệp chế biến, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp thân thiện với môi trường và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản phục vụ nội địa và xuất khẩu; tiếp tục xây dựng và duy trì hoạt động các làng nghề trên địa bàn. Huyện đã và đang tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN theo quy hoạch đã được phê duyệt; phấn đấu đưa CCN Thịnh Lâm đi vào hoạt động và lấp đầy vào trước năm 2025; đề xuất bổ sung 9 CCN ( Giao Thiện 75ha, Hồng Thuận 33ha, Giao Tiến 50ha, Giao Xuân 75ha, Giao Hải 60ha, Giao Lạc 60ha, Giao Yến 75ha, Yến Châu 75ha, Thịnh Lâm 50ha) và KCN Hải Long (quy mô khoảng 1.100ha) để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp.
✅Đối với huyện Hải Hậu tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản ở các xã ven biển; phát triển các CCN làng nghề và tổ chức lại sản xuất ở các làng nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch và phát triển sản phẩm OCOP làng nghề. Theo đó, huyện tập trung quy hoạch và triển khai xây dựng khu công nghiệp (KCN) ven biển Nam Hải Hậu (khoảng 200-300ha); quy hoạch và hình thành thêm 3 CCN làng nghề ở các xã Hải Vân, Hải Minh, Hải Anh; hình thành 2 CCN Hải Xuân (quy mô 50-75ha), Hải Hưng (quy mô 75ha); tiếp tục quy hoạch, hình thành các khu, CCN dọc theo tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường trục trung tâm huyện nhằm tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư. Dự kiến tổng kinh phí để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng các khu, CCN trong giai đoạn 2021-2025 là 2.000 tỷ đồng. Huyện phối hợp thực hiện các chính sách ưu đãi để huy động vốn của các chủ đầu tư, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của tỉnh; huy động nguồn tài chính từ việc đấu giá đất tại các khu đô thị Cồn – Văn Lý, khu dân cư thương mại xã Hải Thanh, các điểm dân cư nông thôn, khu tái định cư.
✅Trong khi đó huyện Nghĩa Hưng tiếp tục coi trọng tâm ưu tiên là xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN, cụm, điểm công nghiệp; các khu dân cư tập trung, khu dân cư tập trung kết hợp với thương mại – dịch vụ. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện quy hoạch phân khu đô thị Rạng Đông và quy hoạch khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông theo hướng tập trung thu hút đầu tư phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Tiếp tục đầu tư các CCN tại thị trấn Liễu Đề, thị trấn Quỹ Nhất, xã Nghĩa Phong, Nghĩa Lạc với tổng diện tích 70ha, tạo mặt bằng sạch nâng cao năng lực thu hút đầu tư. Từng bước xây dựng không gian kinh tế liên kết khu vực biển huyện Nghĩa Hưng gồm đô thị Rạng Đông, Thịnh Long – KCN Dệt may Rạng Đông – Khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông theo hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó phát triển công nghiệp được xác định là một trong các lĩnh vực được chú tâm phát triển chuyên sâu. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp về đầu tư các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản; ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, hiện đại, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu với các ngành công nghiệp công nghệ cao như thiết bị điện, điện tử, công nghiệp phần mềm, dược phẩm tại một số địa bàn trọng điểm thu hút đầu tư như xã Nghĩa Minh, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, thị trấn Rạng Đông.
Với quyết tâm cao và các giải pháp đồng bộ, kỳ vọng về một tương lai tươi sáng cho các khu vực ven biển của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về “Xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”./.
Theo Thanh Thuý-báo Nam Định
# Nam Định điểm đến đầu tư
# Nam Định sẵn sàng đón sóng đầu tư
# Nam Định – địa chỉ vàng cho Nhà đầu tư